Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 16/10 đến 20/10, VN-Index giảm 4,05%, đóng cửa tại 1.108,03 điểm. Áp lực bán diễn ra trong 4/5 phiên giao dịch trong tuần với áp lực bán ngày càng gia tăng. Chỉ có phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số được hỗ trợ bởi lực cầu bắt đáy, kích hoạt nhịp đảo chiều và trở lại trên ngưỡng 1.100 điểm.
Nhịp đảo chiều của thị trường không đến một cách bất ngờ, không thể dự báo, mà đã có nhiều tín hiệu đến từ giá và khối lượng. Diễn biến bán mạnh bắt đầu từ ngày 13/9 và kéo dài 27 phiên giao dịch, khiến VN-Index giảm 13% từ vùng 1.252 điểm.
Trong suốt diễn biến giảm điểm đó, thanh khoản đi từ đỉnh điểm với mức giá trị giao dịch quanh 20.000 tỷ đồng/phiên đến trung bình còn 13.000 tỷ đồng/phiên. Điều này cho thấy áp lực bán đã dần cạn kiệt sau nhiều phiên bán tháo, lực cầu dần gia tăng tại các vùng hỗ trợ trọng yếu như 1.100 điểm và 1.080 điểm.
Vùng 1.080 – 1.100 điểm cũng là vùng hỗ trợ trọng yếu khi đây là nền giá cũ, chân sóng của nhịp tăng trước đó, đồng thời hợp lưu của trung bình động MA 200 ngày. Mặt khác, nhiều mã vốn hóa lớn và vừa đã quay lại nền giá hoặc chạm đến vùng hỗ trợ mạnh và MA 200, tạo điều kiện cho một nhịp hồi xảy ra trong giai đoạn gần.
Nói như vậy, triển vọng thị trường trong các phiên tiếp theo đã trở nên tốt hơn? Thị trường chung đảo chiều do áp lực bán cạn kiệt, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh. Có thể nói, đây là nhịp hồi mang tính kỹ thuật khi nhiều cổ phiếu đã bị bán quá đà do tâm lý e ngại rủi ro của nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Diễn biến giảm cũng phản ánh quá trình định giá lại của giới đầu tư về các sự thay đổi trong vĩ mô cũng như tình hình kết quả kinh doanh còn chưa được cải thiện.
Do đó, thị trường có thể quay lại đà giảm hoặc đi ngang trong giai đoạn sắp tới, khi chưa có nhiều sự cải thiện để định giá lại. Vùng giá diễn biến sắp tới cho VN-Index là 1.050 – 1.200 điểm.
Xét các nhóm nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng trong tuần qua, với 4 phiên liên tục từ 17/10 đến 20/10 có giá trị mua ròng gần 1.500 tỷ đồng và trải rộng trên nhiều mã vốn hóa lớn và vừa, dẫn đầu là STB, DGC, PVD, PDR, FRT… Xét về nhóm ngành, nhiều nhóm cải thiện mạnh từ mức giá thấp do áp lực bán tháo, trong đó có dịch vụ tài chính, bất động sản, bán lẻ, tài nguyên cơ bản.
Ngành dầu khí hưởng lợi từ giá dầu – tiềm năng trong trung hạn
Trong thời gian gần đây, thị trường thế giới chứng kiến sự bật tăng mạnh mẽ của giá dầu, trong bối cảnh OPEC+ nỗ lực thắt chặt sản lượng nhằm hạ nguồn cung dầu trên thị trường. Các căng thẳng địa chính trị leo thang cũng tác động đến sự ổn định của thị trường năng lượng trên thế giới, qua đó tác động vào xu hướng tăng hiện tại của giá dầu.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Trong hai tuần qua, giá dầu tăng mạnh khi xung đột quân sự tại dải Gaza giữa Hamas và Israel làm dấy lên những quan ngại về việc liệu những xung đột cục bộ liệu có lan sang khu vực Trung Đông hay không.
Các động thái của Ả Rập Saudi và Nga trong việc giảm nguồn cung đến cuối năm 2023 và có thể kéo dài sang năm 2024 gây ra nhiều áp lực lên cán cân cung – cầu trên thị trường dầu mỏ. Việc Mỹ lên kế hoạch mua lại hơn 6 triệu thùng dầu giao vào cuối năm nay để bổ sung vào kho dự trữ bắt buộc sẽ đẩy nhu cầu trên thị trường tăng cao vào thời điểm cuối năm.
Trong tình hình đó, Chính phủ Mỹ đã nới lỏng các lệnh trừng phạt lên ngành dầu mỏ Venezuela sau thỏa thuận giữa Washington và Caracas. Trước nhiều thông tin tác động lên giá dầu trong thời gian tới, chúng ta có thể có 3 kịch bản đối với giá dầu trong giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024.
– Kịch bản 1: Giá dầu tăng cao. Trong kịch bản này, giá dầu thô Brent có thể đạt mức 100 USD/thùng hoặc cao hơn trong năm 2024. Kịch bản này có thể xảy ra nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, nhu cầu dầu thô thế giới tăng trưởng mạnh và nguồn cung dầu thô không tăng lên.
– Kịch bản 2: Giá dầu ổn định. Trong kịch bản này, giá dầu thô Brent có thể dao động trong khoảng 80-90 USD/thùng trong năm 2024. Kịch bản này có thể xảy ra nếu tình hình địa chính trị dịu bớt, nhu cầu dầu thô thế giới tăng trưởng vừa phải và nguồn cung dầu thô tăng lên.
– Kịch bản 3: Giá dầu giảm xuống. Trong kịch bản này, giá dầu thô Brent có thể giảm xuống dưới 80 USD/thùng trong năm 2024. Kịch bản này có thể xảy ra nếu tình hình địa chính trị được cải thiện, nhu cầu dầu thô thế giới giảm xuống và nguồn cung dầu thô tăng lên.
Tuy nhiên, đối với cả 3 kịch bản, chúng ta đều có thể thấy rằng, ngành dầu khí Việt Nam đang được hưởng lợi tương đối khi các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn trong ngành đều đang hoạt động ở mức có lãi.
Chúng tôi nhận thấy, nguồn cung dàn khoan trong khu vực đang thắt chặt, giúp các doanh nghiệp cho thuê dàn khoan như PVD tối ưu hiệu suất khai thác. Ngoài ra, giá dầu cao giúp các doanh nghiệp vận hành như PVS có biên lợi nhuận tốt hơn. Dự án Lô B – Ô Môn cũng mang lại nhiều tiềm năng và mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh cho các doanh nghiệp trong ngành.