Dữ liệu từ ADP cho thấy tăng trưởng việc làm tư nhân trong tháng 9 của Mỹ chỉ đạt 89.000. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính 160.000 từ Dow Jones và dường như đã đảm bảo cho nhà đầu tư rằng thị trường lao động lao động đang thắt chặt.
Báo cáo việc làm quốc gia ADP đã giúp giảm bớt lo ngại về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, với kỳ hạn 10 khỏi mức đỉnh trong 16 năm, nhưng những lo ngại về lãi suất tăng và khả năng Fed có thể cần giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn vẫn là trọng tâm của các nhà đầu tư chứng khoán.
Hiện chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 và 10 năm ngày hôm qua ở mức khoảng 0,31%. Đường cong lợi suất 2 và 10 năm đã bị đảo ngược từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, sự chênh lệch đã bắt đầu được thu hẹp, một số người cho đó là dấu hiệu của cuộc suy thoái đang tới.
Kết thúc phiên 4/10: Chỉ số Dow Jones tăng 127,17 điểm (+0,39%), lên 33.129,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,30 điểm (+0,81%), lên 4.263,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 176,54 điểm (+1,35%), lên 13.236,01 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm ngày thứ ba liên tiếp, do sự sụt giảm của các cổ phiếu liên quan đến năng lượng và bán lẻ, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ và châu Âu tạm ngừng tăng sau khi đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,14% xuống 440,08 điểm.
Dẫn đầu sự sụt giảm là ngành năng lượng giảm 2,1%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất trong gần 3 tháng, khi giá dầu giảm hơn 3USD/thùng do lo ngại nhu cầu suy yếu.
Cổ phiếu nhóm bán lẻ giảm 1,7%, chạm mức thấp nhất trong gần bốn tháng, khi người tiêu dùng phải đối mặt với gánh nặng của lạm phát.
“Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ, ngay cả các công ty xa xỉ cao cấp, đã bắt đầu phải đối mặt với thực tế là người tiêu dùng không chi tiêu nhiều, họ đang tiết kiệm nhiều hơn”, Anthi Tsouvali, chiến lược gia đa tài sản tại State Street Global Markets cho biết.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Chứng khoán toàn cầu đã bị bán tháo gần đây, khi quan điểm diều hâu từ các nhà hoạch định chính sách ngân hàng trung ương và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ củng cố khả năng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao.
Sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro ổn định với các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy chu kỳ tăng lãi suất có thể đã hoàn thành.
Kết thúc phiên 4/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 57,71 điểm (-0,77%), xuống 7.412,45 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 14,71 điểm (+0,09%), lên 15.099,92 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,32 điểm (-0,00%), xuống 6.996,73 điểm.
Giá dầu thô lao dốc bởi nhu cầu sụt giảm và bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảm đạm hơn.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng xăng thành phẩm được cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, đã giảm trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại JP Morgan, mức tiêu thụ xăng của Mỹ theo mùa đang ở mức thấp nhất trong 22 năm.
Kết thúc phiên 4/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 5,01 USD/thùng (-5,6%), xuống 84,22 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 5,11 USD/thùng (-5,6%), xuống 85,81 USD/thùng.