Mua bán trong phiên
Nhà đầu tư Ngọc Hương cho biết, do nắm được thông tin Công ty cổ phần Đầu tư TNG (mã TNG) sẽ chia cổ tức tiền mặt 4% vào cuối tháng 8/2024, cộng với bối cảnh ngành dệt may trong nước phục hồi, chị quyết định mua gom cổ phiếu để chờ nhận “lãi kép”. Từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2024, chị đã mua được 10.000 cổ phiếu TNG, với giá trung bình là 25.000 đồng/cổ phiếu.
Nhận thấy chỉ số VN-Index có nhiều phiên tăng giảm đan xen nhưng xu hướng tăng chiếm ưu thế; mã TNG nhích dần theo chỉ số chung và khá “khoẻ” khi có những phiên thị trường giảm điểm mà cổ phiếu chỉ giảm nhẹ rồi nhanh chóng tăng trở lại, nên chị Hương quyết định lướt sóng trong ngày (T+0) để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Chẳng hạn, trong các ngày từ 22 – 29/7, khi cổ phiếu TNG giảm về 23.000 – 24.000 đồng/cổ phiếu, chị mua từ 3.000 – 10.000 đơn vị, rồi bán một lượng tương đương ngay trong phiên, khi giá tăng từ 1% trở lên so với giá mua.
Từ cuối tháng 7 đến ngày 21/8, VN-Index tăng khoảng 2,6% mã TNG tăng từ vùng 25.000 – 26.000 đồng/cổ phiếu lên trên 28.000 đồng/cổ phiếu, chị Hương chốt lời hầu hết số cổ phiếu trong danh mục.
“Nhờ dự báo đúng xu hướng nên tôi đã lướt sóng hiệu quả, trong thời gian chờ chốt quyền nhận cổ tức thì vừa kiếm được lợi nhuận ngắn hạn vừa trung bình giá xuống được lượng cổ phiếu ban đầu”, nhà đầu tư trên nói.
Cũng tâm đắc với chiến lược lướt sóng trong phiên, nhà đầu tư Nguyễn Hưng chia sẻ, anh từng bị “kẹp hàng” với 20.000 cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Hoá chất Đức Giang ở mức giá 113.000 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối tháng 7/2024. Từ đó đến giữa tháng 8/2024, chỉ số chung trồi sụt, nhưng anh vẫn có niềm tin vào nhịp hồi phục nên tận dụng những phiên thị trường lao dốc (VN-Index ngày 1/8 giảm 24,55 điểm, ngày 5/8 giảm 48,53 điểm) để mua thêm cổ phiếu DGC ở vùng giá 101.000 – 105.000 đồng/cổ phiếu, rồi bán ra trong phiên hoặc phiên hôm sau, khi giá tăng lên 108.000 – 110.000 đồng/cổ phiếu.
“Tôi đã biến danh mục ban đầu từ lỗ thành lãi, vì đến ngày 21/8, giá DGC đạt 112.800 đồng/cổ phiếu, giúp trung bình giá xuống còn 109.000 đồng/cổ phiếu. Tôi tin, DGC là hàng cơ bản nên xu hướng dài hạn vẫn là tăng”, anh Hưng nói.
Bà Dương Thuỷ, một nhà đầu tư đang nắm giữ danh mục có giá trị hàng chục tỷ đồng cho hay, lướt sóng T+0, T+1 khi có sẵn hàng là phương pháp giao dịch mà bà và nhiều nhiều nhà đầu tư lâu năm khác thường xuyên áp dụng, vì có thể kiếm lợi nhuận nhanh và giảm áp lực cho danh mục nếu chẳng may bị “kẹp hàng”. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên lướt sóng T+ khi thị trường trong xu hướng tăng (uptrend).
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
“Trong xu hướng uptrend, hãy lướt cổ phiếu đã tạo được đáy tạm và đi ngang (sideway) 1 – 2 phiên. Nếu thị trường giá giảm (downtrend), cổ phiếu đang rơi mà lướt là trở thành bắt dao rơi, rủi ro cao”, bà Thuỷ nhấn mạnh. Tất nhiên, nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh có thể lướt trong downtrend, vì sau vài phiên lao dốc bao giờ cũng có những phiên hồi, đó chính là cơ hội để lướt.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên canh mua cổ phiếu giá thấp và đảo hàng sẵn có, bán ra ngay trong phiên khi thấy giá hồi, tránh nấn ná vì dễ “kẹp hàng” sâu hơn trong trường hợp diễn biến thị trường không như dự báo.
Theo chuyên gia tư vấn Lê Thị Yến, Công ty Chứng khoán VPS, có 4 yếu tố cần lưu ý khi lướt sóng T+: một là, cổ phiếu có tín hiệu quay đầu khi chạm vùng hỗ trợ; hai là, ưu tiên kết hợp khi thị trường chung phục hồi; ba là, sử dụng đồ thị ngắn hạn để theo dõi xu hướng (ưu tiên đồ thị giờ, thay vì theo ngày hay tuần); bốn là, tuân thủ nguyên tắc “mua ở vùng hỗ trợ, bán ở vùng kháng cự”.
Lấy ví dụ nhà đầu tư đang có 10.000 cổ phiếu tại vùng giá 30, chị Yến khuyến nghị, khi thấy cổ phiếu chạm vùng hỗ trợ trước đó, chẳng hạn là 26 và có dấu hiệu bật trở lại, vượt mức giá trung bình 50 phiên (MA50), cộng với thị trường chung hồi phục thì nhà đầu tư có thể mua 30 – 50% khối lượng hàng sẵn có. Cổ phiếu tiến đến vùng kháng cự 28 – 30 thì bán ra lượng đã mua.
“Khi đó, phần có sẵn thì đã lấy lại những gì đã mất, còn phần mua thêm có lãi. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng thì có lãi tiếp từ vùng giá 28, nếu giảm thì chỉ bị giảm của lượng hàng mới mua”, chị Yến nói.
“Phương pháp này chỉ giúp kiếm lợi nhuận trên hàng sẵn, có chứ không gia tăng số lượng cổ phiếu, tránh tình trạng khó kiểm soát danh mục”, vị chuyên gia nói thêm.
Đề phòng rủi ro “bắt dao rơi”
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Ngoài cơ hội kiếm lời nhanh, “lướt sóng” trên cổ phiếu có sẵn giúp nhà đầu tư tập dượt trước, chuẩn bị cho giao dịch trong ngày dự kiến áp dụng sau khi thị trường được nâng hạng.
Chuyên gia Lê Thị Yến nhận xét, ngoài cơ hội kiếm lời nhanh, lướt sóng T+0 trên cổ phiếu có sẵn giúp nhà đầu tư “tập dượt” trước, chuẩn bị cho giao dịch trong ngày được áp dụng, sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, dự kiến vào năm 2025. Thông tư 120/2020/TT-BTC quy định, giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán nhà đầu tư chưa sở hữu với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.
Hiện tại, nhà đầu tư chỉ có thể bán ra lượng cổ phiếu đã mua sau 2,5 ngày (T+2,5), trong đó T+0 là ngày ghi nhận giao dịch mua cổ phiếu, T+2,5 là thời điểm cổ phiếu về tài khoản và nhà đầu tư được phép bán (chiều ngày làm việc thứ ba sau khi mua). Vì thế, lướt sóng T+0, T+1, T+2 chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu trong tài khoản.
Chị Yến khuyến nghị, khi giao dịch T+, nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu có thanh khoản cao, tránh mã có vướng mắc pháp lý, bán khi có lãi, chỉ mua bán 30 – 50% so với hàng sẵn có, vì nếu bình quân giá vốn với số lượng cổ phiếu lớn có thể sẽ lỗ sâu hơn, tránh găm hàng.
“Găm hàng khi giá xuống không khác gì trung bình giá lên, vì ngay cả khi một cổ phiếu trên đường hồi phục thì giá vẫn có thể kiểm tra ngưỡng hỗ trợ nhiều lần. Trong trường hợp giá xuống, nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro từ sớm”, vị chuyên gia VPS nói.
Nhà đầu tư Dương Thuỷ chia sẻ, để hạn chế rủi ro khi lướt sóng T+, nhà đầu tư cần nắm vững kiến thức về đọc vị cổ phiếu, hiểu rõ cổ phiếu định lướt đang ở xu hướng nào, có hay bị kéo lên ở phiên ATO sau đó xả ở phiên ATC hay không, đồng thời hiểu biết kỹ thuật chứng khoán, về mô hình đảo chiều xu hướng, các mốc hỗ trợ, kháng cự, có thời gian “canh” đồ thị và có sự quyết đoán, kỷ luật trong giao dịch.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý, việc lướt sóng trên cổ phiếu sẵn có tiềm ẩn một số rủi ro.
Thứ nhất, rủi ro khó dự đoán xu hướng. Thị trường có thể đảo chiều bất cứ lúc nào, khiến nhiều cổ phiếu trước đó đi lên tính bằng tháng, nhưng sau vài ngày đã bị xoá sạch thành quả. Trong xu hướng đó, việc mua giá thấp rồi kỳ vọng bán giá cao nhanh chóng sẽ càng làm tăng vị thế giá cao.
Thứ hai, việc giao dịch liên tục xoay vòng vốn nhiều lần làm tăng khoản thuế thu nhập, phí giao dịch và các khoản phí khác, nhất là khi sử dụng đòn bẩy.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
Thứ ba, nếu nhà đầu tư lướt “nhầm” cổ phiếu tốt trong thời điểm chiến lược thì đối mặt với nguy cơ “mất hàng”.
Theo ông Bình, về nguyên tắc, doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì giá cổ phiếu sẽ tăng trong dài hạn. Nhà đầu tư cần nắm rõ cổ phiếu mình đầu tư về triển vọng doanh nghiệp, điểm mua, xu hướng dài hạn… và cần nhớ rằng, tất cả những thiên tài đầu tư chứng khoán trên thế giới không quan tâm sóng nhỏ.
“Họ lướt sóng nhanh nhất cũng vài tháng, tôi chưa thấy ai lướt theo ngày mà giàu”, ông Bình nói.