Tỷ số thanh toán hiện hành ( Current Ratio) là gì? Ứng dụng tỷ số thanh toán hiện hành trong phân tích cơ bản doanh nghiệp qua báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Ý nghĩa của Chỉ số thanh toán
- Chỉ số thanh toán (hoặc chỉ số thanh khoản, “liquidity ratio”) là một nhóm tỷ lệ thể hiện khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả ngắn hạn của doanh nghiệp mà không cần huy động thêm vốn.
- Khi phân tích chỉ số thanh toán là bạn đang giả sử tình huống sau: tại cùng một thời điểm, doanh nghiệp bị các chủ nợ đồng loạt đòi thanh toán nợ ngắn hạn (là các khoản nợ có thời hạn thanh toán <12 tháng). Vậy doanh nghiệp có đủ khả năng để trả hết nợ ngắn hạn mà không cần phải huy động thêm vốn hay không?
- Tất nhiên ngoài đời thực sẽ khó có chuyện như vậy xảy ra, tùy vào năng lực mà chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể đàm phán trả nợ một phần hoặc giãn nợ, thậm chí huy động thêm vốn từ cổ đông hoặc vay nợ mới để trả nợ cũ. Nhưng nếu làm như vậy, doanh nghiệp đang bộc lộ dấu hiệu của việc mất khả năng thanh toán và có nguy cơ dẫn đến phá sản khi không còn nguồn tiền để huy động thêm nữa.
Có một điểm thú vị là các yếu tố trong tài sản ngắn hạn trên Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp về thanh khoản (thanh khoản là khả năng chuyển đổi ra tiền mặt):
- Tiền và các khoản tương đương tiền: có thanh khoản cao nhất vì tiền để trong két hoặc ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm là có tiền mặt ngay.
- Các khoản phải thu ngắn hạn: chiếm phần lớn trong mục này là “phải thu ngắn hạn của khách hàng”, còn được gọi là “công nợ”. Đây là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán sau khi đã nhận hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ. Để các khoản phải thu chuyển đổi thành tiền mặt, doanh nghiệp phải tích cực đòi nợ.
- Hàng tồn kho: hàng hóa lưu trữ trong kho muốn chuyển thành tiền chỉ có cách đẩy nhanh tốc độ bán hàng hoặc thanh lý giá rẻ.
- Tài sản ngắn hạn khác.
Việc cộng/trừ các yếu tố trong tài sản ngắn hạn sẽ cho bạn đa dạng công thức và góc nhìn về khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Cách Tính Tỷ số thanh toán hiện hành ( Current Ratio)
Công Thức: Tỷ số thanh toán hiện hành = Tài Sản Ngắn Hạn/Nợ Ngắn Hạn
- Tỷ số này thể hiện mối quan hệ giữa toàn bộ tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Từ “hiện hành” được hiểu là trong vòng 1 năm, thời gian tương đối đủ để doanh nghiệp thực hiện chuyển hóa hàng tồn kho và các khoản phải thu thành tiền mặt.
- Chỉ số thanh toán hiện hành lý tưởng phụ thuộc vào loại hình kinh doanh và ngành nghề nhưng tỷ lệ tối thiểu nên là 2/1. Về mặt lý thuyết, nếu tỷ số thanh toán hiện hành càng cao thì khả năng thanh toán của doanh nghiệp càng tốt.
- Tuy nhiên trên thực tế, một số doanh nghiệp có tỷ số thanh toán hiện hành cao nhưng chưa chắc tính thanh khoản đã tốt vì tỷ lệ hàng tồn kho quá lớn. Nếu như thị trường biến động xấu, hàng tồn kho bị ứ đọng, kém phẩm chất khiến cho hàng tồn kho khó hoán chuyển thành tiền. Lúc này, doanh nghiệp khó có thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn.
- Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), điển hình là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) có tỷ số thanh toán hiện hành ở mức tương đối cao, nhất là tại thời điểm năm 2017-2018. Tuy nhiên khi nhìn vào tỷ lệ hàng tồn kho/tài sản ngắn hạn, bạn sẽ thấy hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cực kỳ cao, lên đến 85% trong năm 2020, vào khoảng 9.300 tỷ đồng. Cơ cấu hàng tồn kho bao gồm BĐS đã hoàn thiện, BĐS đang xây dựng dở dang,…
- Một dự án BĐS nếu nhanh sẽ mất 3-5 năm để hoàn thiện, có trường hợp trên 5 năm. Hoán chuyển tồn kho BĐS đã hoàn thiện thành tiền trong 1 năm đã khó, huống chi BĐS đang dở dang. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp BĐS thường đối mặt với dòng tiền âm và phải liên tục phát hành cổ phiếu và trái phiếu để có tiền mặt.
Mọi chi tiết liên hệ:
Mr. Phương – 0967888655