Chỉ số thanh toán là gì? Doanh nghiệp có dòng tiền yếu kém khi xem xét tỷ số thanh toán hiện hành, thanh toán tức thời, thanh toán lãi vay, thanh toán nhanh.
Chỉ số thanh toán là gì?
Chỉ số thanh toán (hoặc chỉ số thanh khoản, “liquidity ratio”) là một nhóm tỷ lệ thể hiện khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả ngắn hạn của doanh nghiệp mà không cần huy động thêm vốn.
Ý nghĩa Chỉ số thanh toán
- Khi phân tích chỉ số thanh toán là bạn đang giả sử tình huống sau: tại cùng một thời điểm, doanh nghiệp bị các chủ nợ đồng loạt đòi thanh toán nợ ngắn hạn (là các khoản nợ có thời hạn thanh toán <12 tháng). Vậy doanh nghiệp có đủ khả năng để trả hết nợ ngắn hạn mà không cần phải huy động thêm vốn hay không?
- Tất nhiên ngoài đời thực sẽ khó có chuyện như vậy xảy ra, tùy vào năng lực mà chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể đàm phán trả nợ một phần hoặc giãn nợ, thậm chí huy động thêm vốn từ cổ đông hoặc vay nợ mới để trả nợ cũ. Nhưng nếu làm như vậy, doanh nghiệp đang bộc lộ dấu hiệu của việc mất khả năng thanh toán và có nguy cơ dẫn đến phá sản khi không còn nguồn tiền để huy động thêm nữa.
Có một điểm thú vị là các yếu tố trong tài sản ngắn hạn trên Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp về thanh khoản (thanh khoản là khả năng chuyển đổi ra tiền mặt):
- Tiền và các khoản tương đương tiền: có thanh khoản cao nhất vì tiền để trong két hoặc ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm là có tiền mặt ngay.
- Các khoản phải thu ngắn hạn: chiếm phần lớn trong mục này là “phải thu ngắn hạn của khách hàng”, còn được gọi là “công nợ”. Đây là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán sau khi đã nhận hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ. Để các khoản phải thu chuyển đổi thành tiền mặt, doanh nghiệp phải tích cực đòi nợ.
- Hàng tồn kho: hàng hóa lưu trữ trong kho muốn chuyển thành tiền chỉ có cách đẩy nhanh tốc độ bán hàng hoặc thanh lý giá rẻ.
- Tài sản ngắn hạn khác.
Công Thức Tính Các Chỉ Số Thanh Toán
Chỉ số thanh toán hiện hành (Current Ratio)
Công Thức: Tỷ số thanh toán hiện hành = Tài Sản Ngắn Hạn/Nợ Ngắn Hạn
- Tỷ số này thể hiện mối quan hệ giữa toàn bộ tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Từ “hiện hành” được hiểu là trong vòng 1 năm, thời gian tương đối đủ để doanh nghiệp thực hiện chuyển hóa hàng tồn kho và các khoản phải thu thành tiền mặt.
Tỷ số thanh toán nhanh (Quick Ratio)
Công Thức: Tỷ số thanh toán nhanh = (Tài Sản Ngắn Hạn – Hàng tồn kho)/Nợ Ngắn Hạn
- Theo lý thuyết tỷ số thanh toán nhanh hay tỉ lệ thanh toán nhanh, chỉ số này > 1 thì chứng tỏ khả năng thanh khoản càng tốt và ngược lại.
Tỷ số thanh toán tức thời (Cash Ratio)
Công Thức: Tỷ số thanh toán tức thời = Tiền và các khoản tương đương tiền/Nợ Ngắn Hạn
- “Tức thời” có nghĩa là ngay lập tức. Doanh nghiệp chỉ có thể ngay lập tức thanh toán tất cả các khoản nợ khi có đủ tiền mặt và các khoản tương đương tiền như: tiền gửi ngân hàng và các khoản đầu tư dễ dàng và không có rủi ro khi chuyển hóa thành tiền mặt (có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng).
Tỷ số thanh toán lãi vay (Interest Coverage Ratio)
Công Thức: Tỷ số thanh toán lãi vay = [Lợi nhuận trước thuế + lãi vay (EBIT)] / Lãi vay
- Tỉ lệ thanh toán lãi vay có thể được tính bằng cách chia thu nhập của công ty trước lãi suất và thuế (Earnings before interest and taxes – EBIT) trong một khoảng thời gian nhất định cho các khoản thanh toán lãi của công ty đáo hạn trong cùng thời gian.
- Tỷ số thanh toán lãi vay ( interest coverage ratio) đo lường những gì công ty đang làm ra có đủ để hoàn trả lại cho các chủ nợ hay không. Tùy theo quan điểm, người phân tích có thể sử dụng lợi nhuận, tài sản hoặc dòng tiền làm thước đo.
Ứng Dụng của các chỉ số thanh toán Liquidity ratio
- Việc cộng/trừ các yếu tố trong tài sản ngắn hạn sẽ cho bạn đa dạng công thức và góc nhìn về khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
- Với 4 chỉ số thanh toán hiện hành, tỷ số thanh toán nhanh, tỉ số thanh toán lãi vay, tỷ số thanh toán tức thời bạn sẽ có thể nhận biết doanh nghiệp có dòng tiền yếu kém để ứng dựng vào việc tìm kiếm và lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.
- Việc sử dụng nhóm tỷ số thanh toán nêu trên nhằm đo lường tính thanh khoản có những hạn chế nhất định vì chúng chỉ được xem xét trong trạng thái tĩnh. Vì vậy, để khắc phục được những hạn chế trên cần có một cái nhìn đầy đủ, tương đối bao quát hơn về chất lượng thực tế của hàng tồn kho và khoản phải thu, cơ cấu tài sản ngắn hạn, hệ số vòng quay và chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp.
Mọi chi tiết liên hệ:
Mr. Phương – 0967888655