Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGW
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Kết thúc quý II/2023, CTCP Thế giới số (DGW – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần 4.596 tỷ đồng (giảm 6,4% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỷ đồng (giảm 39,4%). Biên lợi nhuận gộp tăng 2 điểm phần trăm lên 8,55%. Chi phí bán hàng tăng mạnh do công ty hỗ trợ các nhà bán lẻ trong các chiến dịch marketing, bán hàng. Chi phí lãi vay dù không đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng chi phí nhưng cũng tăng mạnh do môi trường lãi suất cao nửa đầu năm.
Nhóm ngành hàng ICT sụt giảm mạnh nhất đã có dấu hiệu hồi phục khi thu hẹp đà giảm so với quý I, ngành hàng laptop tăng 19%, ngành hàng điện thoại giảm 19%. Ngành hàng thiết bị văn phòng giảm 17% do các doanh nghiệp vẫn đang thắt chặt chi tiêu. Các ngành hàng mới như thiết bị gia dụng, FMCG đều có tăng trưởng vượt trội do mới xâm nhập thị trường.
Kể từ cuối năm 2022 đến nay, DGW liên tục ký kết hợp đồng với các nhãn hàng và ngành hàng mới, có thể kể đến các thương vụ với các hãng lớn như ABInbev, Westinghouse, Achison. Với mô hình MES hoàn thiện và kinh nghiệm phát triển thị trường lâu năm, kỳ vọng DGW sẽ hợp tác thành công với các nhãn hàng đem lại nguồn doanh thu mới nhằm giải quyết bài toán tăng trưởng.
Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần năm 2023 của DGW đạt 19.643 tỷ đồng (giảm 11% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 440 tỷ đồng (giảm 36%). Kỳ vọng những sự phục hồi của nhóm ngành ICT và các ngành hàng mới sẽ giúp DGW hồi phục và tăng trưởng trong năm 2024. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 67.800 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC
CTCK Agribank (AGR)
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng đàn heo trong nước được cải thiện nhẹ nhờ dịch bệnh được kiểm soát và giá heo có xu hướng phục hồi. Lạm phát hạ nhiệt trên toàn cầu và cũng đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam có thể tiếp tục kích thích nhu cầu tiêu thụ heo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cuối năm, gần dịp lễ Tết cũng là thời gian cao điểm tiêu thụ thịt heo và qua đó có thể khiến giá heo tiếp tục cải thiện.
Giá các loại ngũ cốc, lúa mỳ, ngô, đậu tương đều đang trong xu hướng giảm 20-40% so với mức đỉnh vào giữa năm 2022, đồng thời giảm 15-25% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ tiếp tục giảm cho đến đầu năm 2024, do các nhà nhập khẩu đã tích cực tích trữ tồn kho ngũ cốc từ đầu năm 2023, trước lo ngại hiện tượng El Nino. Qua đó, các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ tiết giảm được chi phí đầu vào và cải thiện biên lợi nhuận.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Kỳ vọng lợi nhuận phục hồi nhờ mảng chăn nuôi tích cực hơn: Mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Dabaco (DBC – sàn HOSE) là chăn nuôi kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ giá heo hơi có thể tăng giai đoạn cuối năm và giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang mạnh mẽ mở rộng công suất với dự án trang trại lợn ở Thanh Hóa sẽ nuôi thêm 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà, nâng công suất sản xuất thịt heo lên 78.000 tấn/ năm (tăng 30% so với cùng kỳ).
Vacxin dịch tả lợn châu Phi đang hoàn tất các bước kiểm nghiệm để đưa vào sử dụng: Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vacxin đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 – 100% trên đàn lợn thí nghiệm. Hiện nay vacxin DACOVAC-ASF2 đang được khảo nghiệm để đăng ký lưu hành theo quy định. Phía doanh nghiệp cho biết, dự kiến đầu tháng 11 sẽ hoàn thành các bước kiểm tra thực địa và sớm đưa vào triển khai trên quy mô lớn.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVS
CTCK Agribank (AGR)
Với việc trúng thầu gói EPCI 1 giá trị hơn 1 tỷ USD, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) được kỳ vọng có thể sớm bắt đầu triển khai từ đầu năm 2024 khi dự án Lô B – Ô Môn có FID. Chúng tôi kỳ vọng PVS sẽ có khối lượng công việc lớn trong giai đoạn 2024-2027 và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
Mảng điện gió ngoài khơi còn nhiều dư địa tăng trưởng: PGE group và Orsted đã ký thỏa thuận với liên doanh PTSC M&C (công ty con của PVS) để thiết kế, sản xuất và vận hành 4 trạm biến áp ngoài khơi (375 MW mỗi trạm) cho dự án điện gió Baltica 2 tại Ba Lan. Ngoài ra, mảng điện gió trong nước cũng còn nhiều tiềm năng khi công suất điện gió quy hoạch được tập trung đẩy mạnh. Với vị thế là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVS có nhiều lợi thế để trúng các gói thầu về dầu khí và điện gió ngoài khơi trong tương lai.
Mảng cho thuê kho chứa nổi FSO/FPSO đem lại dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp: Các tàu FSO Orkid, FPSO Ruby II, FSO Biển Đông 01, FSO Golden Star và FSO MV12 sẽ hoạt động ổn định đến 2027. Ngoài ra, PVS cũng đang đàm phán để kéo dài hợp đồng với FPSO Lam Sơn từ năm 2025.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 42.000 đồng/CP.