Nhà đầu tư nên làm gì khi thị trường chứng khoán đi xuống. Nhà đầu tư cần tránh tâm lý hoảng loạn, tìm cách xử lý trước rủi ro thị trường chứng khoán giá giảm.
Khi thị trường chứng khoán rớt thảm và giá trị danh mục của bạn sụt giảm nặng nề, nhà đầu tư có thể sẽ tự hỏi: “Liệu có nên bán cổ phiếu và rút sạch tiền khỏi thị trường không?” Đây là điều dễ hiểu, nhưng gần như chắc chắn không phải hành động tốt nhất. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tự hỏi: “Mình không nên làm gì?”
Câu trả lời rất đơn giản: Đừng hoảng loạn. Bán tháo khi hoảng loạn thường là phản xạ tự nhiên của nhiều người khi chứng khoán lao dốc và giá trị danh mục của họ bốc hơi. Điều quan trọng là bạn phải xác định từ trước mức chịu rủi ro của mình và biến động giá sẽ ảnh hưởng thế nào đến bản thân.
Vì sao NĐT không nên hoảng loạn?
- Đầu tư giúp bạn dùng tiền tiết kiệm một cách hiệu quả và gia tăng của cải thông qua phép màu của lãi kép. Tuy nhiên, thị trường chứng sụt giảm do suy thoái hay sự kiện bất thường như đại dịch COVID-19 có thể thách thức những nguyên lý đầu tư cốt lõi như mức chịu rủi ro và đa dạng hóa.
- Điều quan trọng cần phải nhớ là thị trường có tính chu kỳ và việc chứng khoán đi xuống là điều không thể tránh khỏi. Nhưng sự sụt giảm chỉ là nhất thời. Tốt hơn hết là bạn nên suy nghĩ dài hạn thay vì hoảng loạn bán tháo khi chứng khoán trượt dốc.
- Những nhà đầu tư dài hạn biết rằng thị trường và nền kinh tế rồi sẽ phục hồi, và nhà đầu tư nên định vị sẵn cho sự phục hồi. Trong đợt dịch bệnh Covid lần đầu tại Việt Nam thị trường chứng khoán vào trend giảm với đợt bán tháo mạnh vào ngày 23/1/2020, chứng khoán VN cắm đầu lao dốc và nhiều nhà đầu tư bán sạch cổ phiếu.
- Nhưng rồi thị trường bùng nổ từ ngày 4/1/2020, bất chấp trước đó đợt bùng phát dịch lần 2 ngày 20/3/2020 VNINDEX cũng chỉ giảm mạnh vài phiên quay trở lại mức ban đầu và xa hơn thế nữa. Những người tháo chạy có lẽ đã bỏ lỡ đà tăng, trong khi đó những người vững chân trên thị trường khôi phục được tổn thất và đạt thành tích khá hơn nữa.
- Gần đây hơn, chỉ số VNINDEX lao dốc kể từ 5/7/2021 tận 14% khi TPHCM và các tỉnh phía nam thực hiện dãn cách xã hội, nhưng thị trường chứng khoán lại hồi phục và vào trend tăng mạnh chỉ sau nửa tháng giảm điểm để đạt đỉnh lịch sử 1.535 điểm vào ngày 7/1/2022 nhờ kỳ vọng các gói hỗ trợ kinh tế từ nhà nước và làn sóng NĐT F0 đổ tiền vào thị trường.
- Thay vì sợ hãi và “chốt lỗ” bằng cách bán ra tại đáy trong một đợt điều chỉnh sâu, hãy tạo lập chiến lược đối phó với thị trường gấu để bảo vệ danh mục của bạn trong thời kỳ khó khăn. Dưới đây là ba bước để đảm bảo bạn không phạm sai lầm số 1 khi thị trường đi xuống.
1. Hiểu mức chịu đựng rủi ro của NĐT
- Mức chịu rủi ro của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như thời hạn đầu tư, nhu cầu tiền mặt và phản ứng cảm xúc khi lỗ. Mức chịu rủi ro thường được xác định thông qua câu trả lời với một bảng câu hỏi. Nhiều trang web đầu tư có bảng hỏi miễn phí có thể giúp bạn xác định mức chịu rủi ro.
- Bạn có thể hiểu phản ứng của bản thân với thua lỗ bằng cách thử nghiệm với chương trình đầu tư chứng khoán ảo trước khi thực sự xuống tiền. Với trình mô phỏng, bạn có thể đầu tư một khoản tiền – ví dụ như 100 triệu VNĐ tiền giả định – và trải nghiệm các biến động và dòng chảy của thị trường chứng khoán.
- Khung thời gian đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Một người sắp về hưu hay đã về hưu nhiều khả năng sẽ muốn bảo vệ tiền tiết kiệm và tạo ra thu nhập cho thời hưu trí. Những nhà đầu tư này có thể nên đầu tư vào cổ phiếu ít biến động hay danh mục toàn trái phiếu và những chứng khoán tạo thu nhập cố định khác.
- Ngược lại, nhà đầu tư trẻ tuổi có thể đầu tư để đạt tăng trưởng dài hạn vì họ có nhiều năm để kiếm lại nếu mất mát từ thị trường gấu.
2. Chuẩn bị và giới hạn lỗ
- Bạn nên sẵn sàng cho điều xấu nhất và lập sẵn chiến lược để phòng vệ lỗ. Chỉ nắm giữ cổ phiếu có thể khiến bạn mất số tiền đáng kể khi thị trường sụp đổ. Bạn nên có thêm các công cụ đầu tư khác để giảm thiểu rủi ro.
- Rủi ro sụt giảm có thể được phòng vệ khá tốt bằng cách đa dạng hóa danh mục và dùng những khoản đầu tư thay thế khác có độ tương quan thấp với cổ phiếu, ví dụ như bất động sản.
- Phân bổ tỷ trọng danh mục cho cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt và tài sản thay thế là bản chất của đa dạng hóa. Chiến lược phân bổ tài sản tốt sẽ giúp bạn tránh được hố sâu tiềm ẩn khi đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ.
3. Tập trung cho dài hạn
- Hàng loạt nghiên cứu cho thấy tuy thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh trong ngắn hạn, nhưng chứng khoán đánh bại hầu hết mọi loại tài sản khác trong dài hạn. Trong thời gian đủ dài, ngay cả cú lao dốc mạnh nhất cũng chỉ như nét móc nhỏ trong xu hướng đi lên dài hạn của thị trường. Nhà đầu tư cần khắc sâu điều này trong tâm trí, đặc biệt trong giai đoạn biến động dữ dội.
- Sự tập trung cho dài hạn sẽ cho phép bạn coi sự sụt giảm mạnh của thị trường là cơ hội để xây dựng của cải thay vì mối nguy có thể xóa sạch tài sản. Trong thị trường gấu, nhiều nhà đầu tư bán tống cổ phiếu bất kể chất lượng của chúng, mang đến cơ hội để gom cổ phiếu blue chip với giá hấp dẫn.
- Nếu lo rằng cách tiếp cận này giống như nỗ lực mua đáy bán đỉnh, hãy thử chiến lược bình quân giá theo thời gian. Với chiến lước này, chi phí sở hữu một loại tài sản – ví dụ như cổ phiếu – được bình quân hóa với việc bỏ ra một số tiền bằng nhau để mua khoản đầu tư theo định kỳ. Nhà đầu tư có thể xem xét việc trích đều đặn 10% thu nhập hàng tháng để mua thêm cổ phiếu.
- Vì các giao dịch mua này được thực hiện một cách hệ thống khi giá tài sản thường xuyên dao động, giá vốn trung bình mà bạn trả có thể thấp hơn đáng kể so với đỉnh.