Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
CTCK Phú Hưng (PHS)
Như chúng tôi đã nhận định, đáy của thị trường bán lẻ ICT nhiều khả năng đã nằm tại cuối quý 1 và đầu quý 2. Sự xảy ra cùng lúc của nhiều yếu tố bất lợi trong quý 1 như sức mua yếu, tồn kho Iphone 14 pro max dồn ứ (một phần lý do của cuộc chiến về giá), thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân bị thắt chặt,… đã khiến kết quả kinh doanh các mặt hàng ICT trở nên thấp đi một cách trầm trọng, ngay cả khi tính đến yếu tố sức mua yếu. Tuy nhiên cho đến nay các yếu tố kể trên đều đã dịu bớt.
Doanh thu của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG – sàn HOSE) đã cho thấy tín hiệu hồi phục với mức tăng so với quý trước dần qua các quý (tăng 2,8% trong quý 3). Tốc độ giảm so với cùng kỳ qua các quý 1, 2, 3 cũng đang co lại, lần lượt đạt -25,7%, -14,2% và -5,4%, cho thấy sự hồi phục ngay cả khi loại trừ yếu tố mùa vụ (mùa mua sắm tựu trường). Lợi nhuận sau thuế quý 3 cũng ghi nhận mức tăng 122,9% so với quý trước.
Thị trường điện máy, điện thoại nhìn chung đã sụt giảm 25-30%. Với chiến lược về giá trong thời gian qua, MWG đã khôi phục lại 85% doanh thu lũy kế trong 3 quý vừa qua cộng với thị phần đã tăng từ 5%-25% ở các nhóm hàng, nhãn hàng khác nhau, theo lời ban lãnh đạo. Thời gian tới công ty sẽ tiếp tục duy trì chiến lược về giá cả cạnh tranh và sẽ cố gắng tìm điểm cân bằng giữa việc bảo vệ thị phần và đảm bảo lợi nhuận.
Tuy nhiên, không nên quá trông chờ vào một sự hồi phục rực rỡ khi ban lãnh đạo cho biết triển vọng quý 4 khả quan nhất sẽ là tương đương với cùng kỳ các năm và sức mua vẫn còn yếu. Chúng tôi tin rằng đáy hình chữ U là một kỳ vọng hợp lý với sự hồi phục có thể phải đến 2H24 mới xuất hiện.
MWG sẽ tiếp tục công tác tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu chi phí, tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Công ty sẽ cân nhắc đóng một số cửa hàng kém hiệu quả cả về doanh thu và lợi nhuận trong tháng 11 và tháng 12. Công ty hy vọng sẽ dịch chuyển được lưu lượng khách hàng từ các cửa hàng này sang các cửa hàng hiện hữu, đồng nghĩa với việc tăng trưởng SSSG trên 1 cửa hàng và tối ưu hóa mức EBITDA trên một cửa hàng. Do đó chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 65.900 đồng/CP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SIP
CTCK Phú Hưng (PHS)
Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP): Thứ nhất là triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ mảng bất động sản khu công nghiệp: Trong giai đoạn 2019A – 2022A, doanh thu mảng cho thuê đất KCN đã đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ~20% chủ yếu đến từ diện tích cho thuê tốt tại KCN Phước Đông. Chúng tôi dự phóng doanh thu mảng này sẽ tiếp tục giữ vững được CAGR trong giai đoạn 2023F-2027F, nhờ vào các lợi thế thu hút nhà đầu tư của SIP.
Thứ hai là mở rộng diện tích cho thuê KCN kích thích tăng trưởng dịch vụ hỗ trợ: SIP hiện đang cung cấp dịch vụ tiện ích (truyền tải điện, nước) và các loại dịch vụ khác cho khách thuê tại KCN, Đặc biệt là lĩnh vực truyền tải điện hiện đóng góp đến 90% doanh thu của các hoạt động cung cấp dịch vụ.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Dự phóng sản lượng điện giai đoạn 2023F-2027F sẽ đạt CAGR 7% đến từ triển vọng tích cực từ KCN Phước Đông, đồng thời chúng tôi cũng dự phóng giá điện bán lẻ sẽ tiếp tục tăng 5-10% giai đoạn 2024F-2025F dẫn đến cải thiện biên lợi nhuận gộp hoạt động này từ 6,3% lên 8,5%.
Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 và 2024: Chúng tôi dự phóng hoạt động kinh doanh của SIP sẽ được tăng trưởng ổn định đến từ triển vọng cho thuê tích cực. Doanh thu 2023 và 2024 sẽ lần lượt đạt 6.662 tỷ đồng (tăng 10% so với năm trước) và 7.442 tỷ đồng (tăng trưởng 12%), lợi nhuận sau thuế sẽ được đạt 1.083 tỷ đồng (tăng trưởng 7%) và 1.123 tỷ đồng (tăng trưởng 4%).
Định giá & Khuyến nghị: Sử dụng phương pháp SOTP và RNAV, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của SIP là 83.400 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị là mua với tiềm năng tăng lên đến 46,5%.
Rủi ro: (1) Rủi ro về vướng mắc pháp lý làm chậm tiến độ đầu tư của các khách thuê; cũng như kế hoạch mở rộng của SIP; (2) Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu tư các dự án mới; (3) Nhu cầu thuê đất bị tác động bởi việc cắt giảm đầu tư, mở rộng sản xuất do rủi ro suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Rủi ro giảm dự báo đối với VHC
CTCK Vietcap (VCSC)
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 với doanh thu đạt 7,6 nghìn tỷ đồng (giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 849 tỷ đồng (giảm 53%), hoàn thành 67% và 55% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Do kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng, chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm đối với dự báo của chúng tôi cho VHC, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Trong quý 3/2023, doanh thu của VHC giảm 17% so với cùng kỳ và gần như đi ngang so với quý trước. Điều này chủ yếu đến từ việc mức tăng 9% so với quý trước của sản lượng bán phi lê cá tra đông lạnh và các mặt hàng khác bị ảnh hưởng một phần do giá bán trung bình giảm. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của VHC giảm 66% so với quý trước do chi phí SG&A tăng 18% trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu đi ngang so với quý trước.
Đối với doanh thu theo thị trường trong quý 3/2023, VHC ghi nhận doanh thu tăng so với quý trước trên tất cả các thị trường trừ Hoa Kỳ (giảm 20% so với quý trước). Doanh thu tăng mạnh nhất được ghi nhận ở Trung Quốc (tăng 28%) và châu Âu (tăng 10% so với quý trước). Thị trường chính của công ty, Hoa Kỳ, cho thấy mức giảm so với cùng kỳ mạnh hơn so với kỳ vọng của chúng tôi trong 9 tháng đầu năm 2023, cho thấy niềm tin liên tục yếu đi từ các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm do nhu cầu ở thị trường này giảm.