“Có phần” từ Lô B – Ô Môn
Với sự đốc thúc liên tục của các cơ quan quản lý, dự án Lô B – Ô Môn đã có những tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng sớm được triển khai sau thời gian chậm tiến độ. Dự án này có quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD, dự kiến đem lại nguồn công việc rất lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn trong 2 – 3 năm tới.
Nhắc đến Lô B – Ô Môn, thị trường hầu như chỉ chú ý đến những doanh nghiệp đầu ngành nhờ lượng công việc lớn như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS),Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD), Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCK (PV Gas, mã chứng khoán GAS). Tuy nhiên, cơ hội từ Lô B – Ô Môn cũng được chia cho một số doanh nghiệp phụ trợ như Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS, mã chứng khoán PXS), Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVCoating, mã chứng khoán PVB), Tổng công ty Hoá chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVChem, mã chứng khoán PVC).
Sau khi ngành dầu khí đi qua chu kỳ lớn 2013 – 2014, nhiều doanh nghiệp thượng nguồn, trung nguồn rơi vào thời kỳ đi xuống do không có các dự án lớn mới được phát triển.
PVC-MS từng là cái tên rất “nóng” trong nhóm cổ phiếu dầu khí năm 2014 khi doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, với hoạt động chính trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt các chân đế giàn khoan, kết cấu kim loại, xây dựng công trình dầu khí. Kể từ năm 2016 đến nay, các hoạt động của PVC-MS nhìn chung đi xuống, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ lớn.
Hiện tại, Công ty Chứng khoán Vietcap cho biết, PVC-MS cùng với Vietsovpetro là nhà thầu phụ cho dự án Lô B – Ô Môn với hợp đồng trị giá 1,27 tỷ USD về cung cấp 1 giàn khoan xử lý trung tâm và nhiều giàn dầu giếng. Ngoài ra, PVC-MS có thể tham gia làm nhà thầu phụ khi các nhà máy điện được xây dựng. Doanh nghiệp đang đẩy mạnh công tác tiếp thị, chào thầu tới các dự án, gồm cả Lô B – Ô Môn, kỳ vọng sẽ giúp hoạt động kinh doanh bước sang thời kỳ mới, khởi sắc hơn.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của PVChem đi xuống rõ rệt từ năm 2016 tới nay, lợi nhuận mỗi năm chỉ bằng 1/10 “thời kỳ vàng” và có một số năm thua lỗ. Hiện tại, PVChem được xác định là một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khâu thượng nguồn cho dự án Lô B – Ô Môn. Doanh nghiệp có thể cung cấp bùn khoan và hoá chất khoan.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Ở phân khúc trung nguồn, cơ hội nhiều khả năng sẽ đến với PVCoating, nhờ lợi thế là đơn vị độc quyền trong nước phụ trách chính về mảng bọc ống dẫn dầu khí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong kế hoạch năm 2024, Ban lãnh đạo PVCoating cho hay, Công ty đang chuẩn bị sẵn sàng để đàm phán ký kết hợp đồng bọc ống với các tổng thầu tại chuỗi dự án Lô B – Ô Môn.
Với PTSC, công ty con là PTSC M&C liên doanh với Lilama 18 đã trúng thầu gói thầu dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, giá trị hơn 6.243 tỷ đồng.
Trước đó, SSI Research ước tính, PTSC sẽ ghi nhận khối lượng công việc liên quan đến Lô B – Ô Môn đến năm 2025 (đường ống phải sẵn sàng hoạt động trước khi khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026) và ghi nhận khoản lợi nhuận ròng hàng năm từ 70 – 100 tỷ đồng.
Dầu khí vào chu kỳ mới
Ngành dầu khí đang mở ra một thời kỳ phát triển mới và mang lại sự bận rộn cho các doanh nghiệp sau giai đoạn ít việc vừa qua.
Nhìn xa hơn bức tranh toàn ngành, các doanh nghiệp dầu khí không chỉ chờ đợi vào đại dự án trong nước rục rịch triển khai, mà không khó để nhận ra, ngành dầu khí toàn cầu đang bước vào một chu kỳ mới sau giai đoạn hoàng kim 2013 – 2014.
Dòng vốn đầu tư quay trở lại mảng thăm dò và khai thác (E&P) dầu khí trên toàn cầu kể từ khi cuộc khủng giá dầu và đại dịch Covid-19 xảy ra. Giá dầu đang neo ở mức cao, trên 80 USD/thùng, lợi nhuận khai thác dầu khí hấp dẫn hơn đã kích thích dòng vốn đổ vào các hoạt động E&P để phát triển các nguồn cung khí mới.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Đó là sự chuẩn bị cần thiết ở giai đoạn hiện nay, bởi rủi ro nguồn cung đang hiện hữu. Các vấn đề địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine leo thang, khu vực Trung Đông bất ổn không thể khiến các quốc gia ngừng tính toán về việc dự trữ dầu phục vụ nền kinh tế. Nếu như trước đây, thế giới có thể dựa vào sản lượng dầu đá phiến của Mỹ để giảm bớt tác động của sự gián đoạn nguồn cung, thì nguồn dầu này đang giảm mạnh.
Ở Việt Nam, sản lượng khai thác dầu đã đạt đỉnh và liên tục giảm kể từ năm 2015 do giá dầu lao dốc về dưới điểm hoà vốn (55 – 60 USD/thùng), khiến các dự án dầu khí bị đình trệ và cắt giảm sản lượng, còn các mỏ lớn tuổi có chi phí khai thác cao nên nguồn cung ngày càng co hẹp.
Hiện tại, nhu cầu về dầu khí đang mở rộng, nhất là trong lĩnh vực phát điện. Điện khí sẽ trở thành nguồn điện quan trọng đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII, với tỷ trọng chiếm đến 21,8%. Các dự án điện khí đang được đẩy mạnh phát triển, nhưng nguồn cung khí trong nước chưa đủ đáp ứng, nên khí cho phát điện chủ yếu vẫn là khí nhập khẩu.
Công ty Chứng khoán KIS ước tính, tổng lượng khí đốt tự nhiên cần thiết để sản xuất điện sẽ tăng với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 15% trong giai đoạn 2023 – 2030. Riêng ở dự án Lô B – Ô Môn, với tổng trữ lượng 107 tỷ m3, dự án này có thể bù đắp sự cạn kiệt tại các mỏ khí hiện hữu trong dài hạn.
Với việc giá dầu cao, nhu cầu về dầu khí lớn, hoạt động E&P nội địa sẽ sôi động hơn, tạo ra công việc và đơn giá cao cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác, nhất là từ năm 2024 nhờ dự án Lô B – Ô Môn. Ngoài ra, các dự án khác như Cá Voi Xanh, Đại Hùng pha 3, Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng giai đoạn 2B… trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến đáng kể sẽ mang lại nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp.
PVCoating đang theo dõi tiến độ triển khai các dự án Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng, Zawtikia-1E… để tham gia đấu thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng bọc ống. Công ty cũng sẽ mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nằm trong chuỗi giá trị của PV Gas.
PVC-MS cho biết, mục tiêu hiện tại của Công ty là thực hiện liên danh, liên kết với các đơn vị mạnh trong nước để đấu thầu chế tạo, lắp ráp các giàn khoan dầu khí hạng nhẹ và trung bình cho ngành dầu khí như các dự án phát triển mỏ Phú Quốc, Đại Hùng pha 3, đảm nhiệm vai trò nhà thầu phụ cho Vietsovpetro, PTSC…
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
Ban lãnh đạo PVChem cũng nhận thấy doanh nghiệp có cơ hội lớn khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai các siêu dự án như Lô B – Ô Môn, Cá Voi Xanh. Theo kế hoạch sản xuất, PVChem đặt mục tiêu duy trì và phát triển tối thiểu 70% thị phần dung dịch khoan trong nước.
Một động lực khác của ngành dầu khí là Việt Nam đã có khung pháp lý hoàn thiện hơn, trong đó Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được quy định chi tiết tại Nghị định 45/2023/NĐ-CP, giúp thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí.